Bị phế truất Nguyễn_Phúc_Hồng_Bảo

Ngày 27 tháng 9 năm Đinh Mùi (tức ngày 4 tháng 10 năm 1847), Thiệu Trị băng hà. Liền ngày ấy, các hoàng thân và các quan văn võ họp tại điện Cần Chánh để tuyên đọc di chiếu, theo đó Hoàng nhị tử là Phúc Tuy công Nguyễn Phúc Hồng Nhậm được lập lên ngôi, tức Tự Đức. Hồng Nhậm khóc lạy lãnh mạng. Di chiếu đọc chưa dứt, An Phong công Hồng Bảo phẫn uất thổ huyết hơn một đấu, nằm vật ngã giữa điện đình. Lúc làm lễ đăng quang, mấy người phải đỡ ông dậy, nghi lễ mới hoàn tất[4].

Lý do bị phế truất, sử nhà Nguyễn chép lời trăng trối trước khi mất của Thiệu Trị nói với các đại thần là Trương Đăng Quế, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri PhươngLâm Duy Hiệp:

"Trong các con ta, Hường Bảo (Hồng Bảo) tuy lớn, nhưng vì thứ xuất (con bà hầu sinh ra), mà lại ngu độn ít học, chỉ ham vui chơi, nối nghiệp không đặng. Con thứ hai là Phước Tuy công (tức Hồng Nhậm) thông mẫn ham học giống in như ta, đáng nối ngôi làm vua. Hôm qua ta đã phê vào tờ Di chiếu để trong long đồng (ống chạm rồng). Các ngươi phải kính noi đó! Đừng trái mạng ta!" [5].

Dù vậy, Hồng Bảo không tin đây là ý vua cha mà do Trương Đăng Quế bày mưu, nên quyết chí báo thù người gây ra và tìm cách giành lại ngôi báu. Đại thần Trương Đăng Quế là thầy của Thiệu Trị và là người rất có thế lực trong triều. Tương truyền, Đăng Quế và Hồng Bảo có sự hiềm khích nhau từ trước.

Trong thư đề ngày 15 tháng 1 năm 1852, giáo sĩ GaLy viết: "Ông (Hồng Bảo) bị cướp ngôi, ông chẳng buồn vì ngôi vua về tay em ông còn hơn sang tay kẻ khác. Nhưng ông muốn có dịp moi gan móc mắt ông Quế…"[6]